Mục lục
Mô hình kinh doanh là gì?
Mô hình kinh doanh (Business Model) là một thuật ngữ khá trừu tượng và có nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, một cách tổng quát nhất thì mô hình kinh doanh chính là một văn bản vạch ra các kế hoạch giúp định hướng phát triển doanh nghiệp trong tương lai. Bản kế hoạch này bao gồm mục tiêu phát triển, xác định khách hàng, đối tác và đối thủ, đề ra các chiến lược, chiến thuật và lộ trình triển khai chi tiết.
Nhìn vào một business model, người làm kinh doanh sẽ nắm được:
- Các bước triển khai kế hoạch để tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp.
- Cách khai thác mạng lưới phân phối và đối tác để tăng lợi nhuận, giảm chi phí.
- Nhìn nhận chính xác list đối thủ để không ngừng tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
- Nắm bắt giá trị sản phẩm và tâm lý khách hàng để đề ra các chiến lược ưu đãi phù hợp.
Một mô hình kinh doanh bài bản như là tấm bản đồ chỉ đường giúp doanh nghiệp luôn đi đúng hướng. Bất kể doanh nghiệp nào khi mới bước chân vào thị trường cũng cần phải lựa chọn một mô hình phù hợp.
Các loại mô hình kinh doanh phổ biến hiện nay
Trên thị trường hiện nay có các loại mô hình kinh doanh phổ biến sau:
- Mô hình kinh doanh online: Loại hình kinh doanh qua Internet và tiếp thị sản phẩm trên các nền tảng Online như website; Mạng xã hội (Facebook, Instagram, Tiktok…); Các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki…)
- Mô hình Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết): Loại hình kinh doanh dựa trên hệ thống các nhà phân phối và mạng lưới cộng tác viên (CTV). Các nhà phân phối và CTV sẽ tiếp thị sản phẩm trên các kênh cá nhân của mình và nhận hoa hồng từ mỗi đơn hàng chốt được.
- Mô hình nhượng quyền kinh doanh: Bán quyền sử dụng thương hiệu cho một cá nhân, tổ chức khác để nhận về một số tiền nhất định. Bên mua quyền sẽ tiếp quản mô hình kinh doanh được chuyển nhượng nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên các giá trị sẵn có của thương hiệu. Tại Việt Nam hiện có rất nhiều thương hiệu nhượng quyền kinh doanh như: Pizza Hut, trà sữa Tocotoco, Cafe Trung Nguyên…
- Mô hình Agency: Mô hình cung cấp các giải pháp Digital Marketing cho các doanh nghiệp hoạt động trên đa dạng lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
- Mô hình Freemium: Là mô hình kinh doanh có sự kết hợp giữa dịch vụ miễn phí và dịch vụ trả phí.
- Mô hình kinh doanh bất động sản: Mua bán, đấu giá nhà đất.
Các thành tố tạo nên một business model hoàn chỉnh
Xây dựng mô hình kinh doanh cần đảm bảo có đầy đủ các thành tố sau:
1. Customer Segment (CS):
Các phân khúc khách hàng mà doanh nghiệp cần tiếp cận và phục vụ bao gồm: Thị trường đại chúng (mass market), thị trường ngách (niche market), thị trường hỗn hợp (multi-sided market).
2. Value Propositions (VP):
Xác định giá trị mà sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mang lại cho nhóm khách hàng mục tiêu. Đây chính là điểm mạnh của doanh nghiệp.
3. Channels (CH):
Xác định các kênh kinh doanh bao gồm kênh truyền thông và kênh phân phối. Có rất nhiều kênh phân phối khác nhau bao gồm: Kênh phân phối trực tiếp (đội bán hàng trực tiếp, điểm bán hàng trực tiếp, gian hàng Online…) và kênh phân phối gián tiếp (đại lý bán hàng, cửa hàng của đối tác…)
4. Customer Relationships (CR):
Thiết lập quan hệ khách hàng để giữ chân khách hàng cũ hoặc thu hút khách hàng mới.
5. Revenue Streams (R$):
Dòng lợi nhuận doanh nghiệp thu được từ các phân khúc khách hàng.
6. Key Resources (KR):
Mô tả các nguồn lực chủ chốt của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh có thể tồn tại và phát triển. Các nguồn thực có thể là tài nguyên môi trường, nguồn lực tri thức (bằng sáng chế), nhân lực và tài chính.
7. Key Activities (KA):
Là các hoạt động trọng yếu mà doanh nghiệp cần duy trì để doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Ví dụ đối với công ty công nghệ, Key Activities sẽ là phát triển nền tảng và xây dựng trung tâm dữ liệu. Đối với công ty tư vấn luật, Key Activities sẽ là việc nghiên cứu văn bản luật và tư vấn luật pháp.
8. Key Partnerships (KP):
Các đối tác chính, nhà cung cấp nguồn lực giúp cho công việc kinh doanh được thực thi tốt và có thể phát triển.
9. Cost Structure (C$):
Là cơ cấu chi phí, mô tả tất cả các chi phí cần thiết để duy trì và điều hành doanh nghiệp.
5 bước xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả
Bước 1: Đánh giá nhu cầu thị trường
Xác định khách hàng mục tiêu để hoạch định các công việc cần làm để thu hút sự chú ý và tạo ra nhu cầu sử dụng sản phẩm ở họ. Đây là cơ sở để vạch ra những ý tưởng và hướng đi lâu dài cho doanh nghiệp.
Bước 2. Lên ý tưởng cho sản phẩm
Từ các số liệu nghiên cứu được từ thị trường, tiến hành nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của khách hàng cả về chất lượng, mẫu mã và giá thành.
Ý tưởng cho sản phẩm cần có sự khác biệt mạnh mẽ với thị trường để tạo lợi thế cạnh tranh với các đối thủ. Đồng thời phải mang lại giá trị cho người dùng tương xứng với số tiền họ bỏ ra để mua sản phẩm đó.
Bước 3: Lên kế hoạch sản xuất sản phẩm
Lên kế hoạch sản xuất sản phẩm theo ý tưởng đã lên. Kế hoạch có thể bao gồm các hạng mục:
- Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo năng suất sản xuất sản phẩm.
- Kế hoạch tìm kiếm nhà cung cấp nguyên vật liệu uy tín, chất lượng với giá cả phải chăng.
- Kế hoạch tuyển dụng, phân công nhân sự có tay nghề cao, chuyên môn vững, trách nhiệm với công việc.
- Kế hoạch thiết kế bao bì sản phẩm.
Bước 4: Xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm
Xây dựng kế hoạch tiếp thị sản phẩm là bước cực kỳ quan trọng trong chiến lược bán hàng. Các chiến thuật quảng bá sản phẩm phổ biến trong các mô hình kinh doanh phải kể đến như tham gia hội chợ, triển lãm sản phẩm; phát tờ rơi, áp phích, truyền thông đại chúng (TVC), xây dựng đa dạng các kênh truyền thông Online, phát động các chương trình khuyến mãi, dùng thử tại các siêu thị, trung tâm thương mại…
Ngoài ra còn có nhiều kênh phân phối hiện đại có thể nhanh chóng đưa sản phẩm đến tay nhiều khách hàng như: Mở hệ thống đại lý, cửa hàng, hợp tác với các cơ sở kinh doanh địa phương…Nên tham khảo chiến lược truyền thông của những mô hình kinh doanh thành công trước đó để áp dụng một cách khôn ngoan vào doanh nghiệp mình.
Bước 5. Hoàn thiện mô hình kinh doanh và đi vào hoạt động
Cuối cùng, hãy bắt tay vào thực tế hóa mô hình của mình. Bắt đầu từ việc huy động vốn từ các nhà đầu tư, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực về con người và tài chính; Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất: Setup văn phòng, trang thiết bị, dây chuyền máy móc…; Tìm kiếm đối tác tiềm năng…
Kết luận
Mô hình kinh doanh phản ánh mức độ thành công của doanh nghiệp. Sai lầm của nhiều startup chính là “đốt cháy giai đoạn” dẫn đến doanh nghiệp không thể đi đường dài. Chính vì vậy, người làm kinh doanh cần phải nghiêm túc ngay từ những bước lập kế hoạch đầu tiên.
Tôi là Nguyễn Hồng Kỳ, Founder của Giải Pháp Marketing. Blog của tôi chia sẻ các kiến thức về Marketing – Khởi nghiệp – Tối ưu chuyển đổi trên website, đúc kết từ hơn 10 năm xây dựng Agency, triển khai cho nhiều lĩnh vực – Công ty từ quy mô Start-up tới tập đoàn. Hi vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc. Hotline: 0828822226