T4, 05 / 2019 2:01 sáng | gp_user
Mua lại ví điện tử MonPay, phát triển siêu thị ảo và tính năng Scan & Go, triển khai hình thức mua sắm trực tuyến... VinID (thuộc Tập đoàn Vingroup) đang có những nước đi mới trong lãnh hạt trung gian thanh toán.

Mới đây, CTCP VinID (công ty con của Tập đoàn Vingroup, hoạt động chính trong lĩnh vực trung gian thanh toán) đã hoàn tất việc mua lại CTCP People Care, đơn vị chủ sở hữu ví điện tử MonPay – một trong 29 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trung gian thanh toán.

Nói về VinID, giám đốc phát triển dịch vụ chuyển tiền của MoMo, ông Nguyễn Xuân Trường từng nhận định: “VinID bản chất là một siêu ứng dụng với một hệ sinh thái rất lớn của Vingroup đằng sau. Hệ sinh thái VinMart +, VinMec, VinHomes… là những dòng thương mại bán lẻ để kích hoạt thanh toán”.

Sau khi mua lại ví điện tử MonPay vốn không có nhiều tiếng tăm trên thị trường, VinID chắc chắn có những chiến lược nhất định để theo đuổi tham vọng phát triển ví điện tử, tận dụng và khai thác từ hệ sinh thái người dùng sẵn có của VinGroup.

Trên thực tế, gần đây, VinID đã có những động thái mạnh mẽ nhằm giới thiệu và tăng lượt tải ứng dụng mua sắm VinID tới khách hàng.

Scan & Go: Quét mã, thanh toán, nhận hàng tại nhà 

Từ tháng 3 năm nay, VinID đã bắt đầu giới thiệu chương trình trải nghiệm mua hàng Scan & Go (phát triển trên ứng dụng VinID) tại một số siêu thị VinMart trọng điểm. Sau hai tháng, VinID áp dụng chương trình trên hệ thống 73 siêu thị, tung ưu đãi để thu hút người dùng sử dụng chức năng quét mã vạch khi mua hàng, thông qua tính năng Scan & Go.

Thông thường, một chu trình mua hàng bằt đầu từ việc vào siêu thị, lựa chọn các sản phẩm cho vào giỏ, xếp hàng ở quầy để chờ thanh toán và lấy hàng về.

Còn khi sử dụng VinMart Scan & Go, người mua tự quét mã vạch sản phẩm bằng điện thoại, nhanh chóng thanh toán tại quầy. 2 – 4 tiếng sau, giỏ đồ sẽ được đội ngũ giao hàng của VinMart giao tận tay.

Siêu thị ảo VinMart 4.0, Scan & Go
VinID tung các đợt ưu đãi khủng cho nhữg người dùng Scan & Go.

Trên thế giới, tính năng Scan & Go cũng từng được Walmart, tập đoàn sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất thế giới triển khai cách đây hai năm, nhằm giảm thời gian trong khâu thanh toán cho cả người mua và nhân viên cửa hàng.

Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng VinMart Scan & Go, VinID muốn đưa người tiêu dùng tiếp cận với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hình thức kích hoạt ví điện tử trên ứng dụng VinID hoặc sử dụng thẻ ngân hàng.

Thông tin về việc ra mắt siêu thị ảo và Scan & Go, VinID giới thiệu về tiện lợi của dịch vụ ví điện tử: Người dùng có thể mua sắm hoàn toàn chỉ với một ứng dụng duy nhất, một lần nhập thông tin duy nhất, không phải qua trung gian hay tốn phí dịch vụ.

Siêu thị ảo ‘VinMart 4.0’

Từ ngày 22/5, VinID tiếp tục ra mắt phiên bản cải tiến cho tính năng Scan&Go, thêm hình thức “mua hàng từ xa”, cho phép người tiêu dùng mua sắm trực tuyến, thông qua mô hình Cẩm nang mua sắm thông minh VinMart Scan&Go và siêu thị ảo VinMart 4.0.

Ngày 23/5, Tập đoàn Vingroup thông báo siêu thị ảo VinMart (virtual store) chính thức đi vào hoạt động. Khách mua hàng chỉ cần mở ứng dụng VinID, chọn tính năng Scan & Go sau đó quét mã QR các sản phẩm muốn mua tại “VinMart 4.0” và thanh toán bằng ứng dụng VinID.

Đây là lần đầu tiên mô hình siêu thị ảo xuất hiện tại Việt Nam. Trên thực tế, mô hình siêu thị ảo với tính năng thanh toán bằng mã QR đã xuất hiện tại nhiều quốc gia thế giới cách đây 8 năm.

Tháng 6/2011, thương hiệu HomePlus (từng thuộc sở hữu của hãng bán lẻ Tesco đến từ nước Anh) giới thiệu cửa hàng ảo đầu tiên trên thế giới, đặt tại ga tàu điện ngầm Seoul, Hàn Quốc.

Hàn Quốc từ lâu được biết đến là quốc gia có nền văn hoá làm việc quá giờ, nơi có những người trẻ bắt đầu công việc vào sáng sớm và kết thúc khi đêm muộn. Họ thường bận rộn để bước vào cửa hàng tạp hoá truyền thống để mua sắm. Quan sát thấy hiện tượng này, Tesco đã nảy ra ý tưởng giới thiệu “cửa hàng ảo”, trưng bày các bức ảnh có kích thước thật những mặt hàng thực phẩm, đồ vệ sinh cá nhân, điện tử…

Siêu thị ảo VinMart 4.0, Scan & Go 2
Người dân quét mã QR mua hàng trên một cửa hàng ảo của HomePlus.

Những người đi làm, đặc biệt là những người am hiểu công nghệ, cực kì bận rộn, có thể quét mã QR của các sản phẩm được hiển thị bằng điện thoại thông minh của họ và đặt hàng khi họ chờ xe lửa hoặc xe buýt. Hàng sẽ được giao đến trong ngày cho khách hàng.

Trong vòng chưa đến một năm thực hiện chiến dịch cửa hàng ảo, ứng dụng của HomePlus có hơn 900.000 lượt tải, trở thành ứng dụng mua sắm phổ biến nhất ở Hàn Quốc tại thời điểm đó. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng 130% kể từ khi giới thiệu các cửa hàng ảo và người dùng ứng dụng đăng ký tăng 76%.

Vào tháng 2/2012, Tesco tuyên bố họ mở rộng cửa hàng ảo đến 20 địa điểm mới trên toàn quốc. HomePlus có 22 cửa hàng ảo trên Hàn Quốc, là thương hiệu bán lẻ số một của quốc gia này tại thời điểm đó. Trong năm 2012, Tesco cũng đã thử nghiệm mô hình cửa hàng ảo ở thị trường quê nhà – nước Anh.

Đến năm 2015, Tesco đã bán chuỗi siêu thị Homeplus, chuỗi cửa hàng bán lẻ cung cấp các sản phẩm gia đình lớn nhất ở nước ngoài của mình cho một nhóm các nhà đầu tư quốc tế, để có thêm tài chính tập trung vào thị trường trong nước.

Siêu thị ảo VinMart 4.0, Scan & Go 3
Khách hàng tranh thủ mua sắm trước khi lên tàu điện ngầm ở Hàn Quốc.

Học hỏi từ thành công của chiến dịch cửa hàng ảo HomePlus tạo nên ở Hàn Quốc, công ty giao hàng trực tuyến PeaPod sau đó cũng cho ra mắt cửa hàng tạp hóa ảo đầu tiên trên ga tàu điện ngầm nước Mỹ. Sau cơn sốt “siêu thị ảo” của HomePlus tại Hàn Quốc, nhiều công ty trên thế giới đã triển khai các cửa hàng ảo trong giai đoạn 2011 – 2012, như Trung Quốc, HongKong, Chile, Úc…

Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình siêu thị ảo chưa khẳng định rõ ràng vị thế là “tương lai của bán lẻ” nhưng đó là một giải pháp mang lại thêm sự lựa chọn mua sắm cho người tiêu dùng, và có ý nghĩa trong chiến lược phát triển mua sắm và thanh toán thông qua ứng dụng của siêu thị.

Ngoài việc phục vụ mục đích mua sắm trực tuyến, siêu thị ảo còn là một hình thức tiếp thị đến người dùng về ứng dụng mua sắm của hãng bán lẻ.

Với hai tính năng mới là siêu thị ảo, Scan & Go và hình thức mua sắm trực tuyến đang được VinID triển khai, dấu ấn của VinID trong địa hạt trung gian thanh toán sẽ ngày một rõ nét hơn. Động thái của VinID trong việc phát triển ứng dụng và ví điện tử sẽ khiến thị trường fintech mảng trung gian thanh toán, với những người đi trước như MoMo hay GrabPay by Moca… thêm sôi động.

Trong khi các ví điện tử trên thị trường đang từng bước gây dựng hệ sinh thái xung quanh thì hệ sinh thái của VinGroup là một lợi thế của VinID trong việc phát triển ví điện tử và siêu ứng dụng.

Tuy nhiên, giám đốc phát triển dịch vụ chuyển tiền của MoMo, ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng Vingroup cũng chỉ là một phần trong hệ sinh thái bán lẻ qui mô rất lớn của thị trường.

“Thị trường bán lẻ rất lớn, nên điều quan trọng là tìm ra cách tạo ra một liên minh trong một hệ sinh thái lớn để giải quyết vấn đề của thị trường”, vị quản lí của MoMo nhận định.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Bài viết cùng chuyên mục