T2, 08 / 2020 9:59 sáng | gp_user
Ngày nay, trong guồng quay vội vã của thời đại công nghệ số và hiện đại hóa, Social Media dần trở thành một thủ thuật Marketing được mọi ngành nghề áp dụng, không thể không kể đến ngành công nghiệp thực phẩm. Bằng những trang Web cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, tính tương tác cao và độ phủ sóng rộng rãi, Social Media có thể ví như một "lớp make up thần kỳ" với khả năng “thiên biến vạn hóa” – đem bộ mặt của ngành công nghiệp thực phẩm nói chung và những hãng đồ ăn nói riêng trở nên muôn màu muôn vẻ, đa dạng và hấp dẫn.

Trước khi Social Media trở nên phổ biến, Marketing dịch vụ ẩm thực truyền thống là phương thức được các nhà hàng, hãng đồ ăn và doanh nghiệp thực phẩm sử dụng nhiều nhất

Tận dụng thời gian phát sóng để quảng cáo

Kể từ năm 1941, khi những chương trình truyền hình thương mại đầu tiên lên sóng, việc tiếp thị qua chương trình phát thanh – truyền hình (Broadcast Marketing) đã từng là lựa chọn số một của nhiều hãng vì mức độ tiếp cận rộng rãi của nó đối với khách hàng. Lấy ví dụ điển hình là giải “Siêu cúp bóng bầu dục Mỹ” Super Bowl, nó không chỉ là một sự kiện thể thao được theo dõi nhiều nhất nước Mỹ, mà còn là một lễ hội quảng cáo khi các thương hiệu phải trả một mức phí khổng lồ để quảng cáo của mình xuất hiện trong thời gian phát sóng. Được tung ra vào năm 1993, đoạn video về cuộc chiến giữa hai vận động viên nổi tiếng Michael Jordan và Larry Bird để tranh giành chiếc McDonald’s Big Mac đã đưa danh tiếng của hãng đồ ăn nhanh này lên một đỉnh cao mới. Cho đến tận ngày nay, đoạn quảng cáo đó vẫn được nhiều người biết đến, theo sau nó là tên tuổi của ông lớn McDonald’s.

Cách thức cổ xưa nhưng không kém phần hữu hiệu

Bên cạnh đó, hình thức lâu đời nhất của Marketing truyền thống là việc tiếp thị bằng báo chí cũng được sử dụng rộng rãi. Chiến lược này có lịch sử từ rất lâu về trước, khi người Ai Cập cổ đại tạo ra các poster bằng giấy cói mang thông điệp quảng cáo để dán trên tường. Ngày nay, ta vẫn thường bắt gặp những trang quảng cáo chủ yếu về sữa, thực phẩm chức năng hay những mẩu tin khuyến mãi của các hãng đồ ăn nhanh như KFC, Lotteria, Jolibee,… Xuất hiện nhiều trên báo. Tưởng chừng nhàm chán nhưng mỗi khi mở các trang báo ra, tên thương hiệu và hình ảnh sản phẩm của các hãng sẽ “vô tình” in sâu vào nhận thức người đọc, từ đó tiếp thị báo chí trở thành một cách hoàn hảo để tăng độ nhận diện thương hiệu.

Chắp cánh cho thương hiệu bằng tờ rơi và Catalogue

Một dạng Marketing thường thấy nữa là việc gửi Catalogue hoặc tờ rơi của các doanh nghiệp thực phẩm đến tận tay khách hàng. Vào những dịp đặc biệt, khi lượng mua sắm tăng cao, tại quầy bán đồ ăn và thực phẩm của siêu thị thường có nhiều cuốn Catalogue chứa thông tin về các loại sản phẩm hiện có, mức giá ưu đãi và quà tặng kèm để khách hàng tham khảo. Rất nhiều doanh nghiệp thực phẩm và hãng đồ ăn đã tài trợ cho chiến lược này ở nhiều hệ thống siêu thị lớn như Bigc C, Metro, Coopmart,… Bởi nó đánh trúng được tâm lý ưa thích sự nhàn rỗi của khách hàng, không phải đi lại quá nhiều mà vẫn có thể nắm rõ được thông tin của các sản phẩm trong tay. Ở các nước Châu Âu từ giữa thế kỷ XX, Catalogue của nhiều nhà hàng nổi tiếng như Noma (Đan Mạch), Astrance (Pháp), Osteria Francescana (Ý)… đã trở nên rất phổ biến, khiến cho danh tiếng của các nhà hàng này bay xa và quen thuộc hơn với người dân trên toàn thế giới.

Cho đến tận 2011, Marketing truyền thông vẫn là phương thức hàng đầu để nền công nghiệp thực phẩm chạm đến các đối tượng mục tiêu và thu hút khách hàng. Nhưng sau đó, với sự lan tỏa và phát triển mạnh mẽ của mình, Social Media Marketing đã tô vẽ một bộ mặt mới đầy màu sắc cho các hãng đồ ăn và doanh nghiệp thực phẩm. Hãy cùng xem, “lớp makeup” mang tên Social Media đã đánh bóng các thương hiệu như thế nào?

Nhờ vào lợi thế lớn nhất của mình là tính tương tác và độ lan tỏa cao, sự phát triển của Social Media đã dẫn đến một sự thay đổi lớn trong cái nhìn của người tiêu dùng đối với các nhà hàng, hãng đồ ăn và doanh nghiệp thực phẩm. Ngày nay, có quá nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng và để trả lời câu hỏi: “Ăn gì? Ở đâu?”, người ta không chỉ dựa vào thông tin trên đài báo hay lời truyền miệng nữa mà thay vào đó, những cú click chuột đơn giản trên Google hay những ứng dụng review như Lozi, Foody,…, gọi đồ ăn nhanh từ Grab, Goviet… sẽ nhanh chóng cho họ đáp án thỏa đáng.

Chí phí rẻ kèm theo kết quả “đắt”
Lướt một vòng trên Facebook hay Instagram, không khó để bắt gặp những bài post quảng cáo của rất nhiều quán ăn từ quy mô nhỏ lẻ cho đến các chuỗi nhà hàng đồ ăn có tiếng. Việc chạy Ads hay SEO trên mạng xã hội và các trang Web đã trở thành một điều quá đỗi quen thuộc với các Marketer. Thay vì phải trả một khoản tiền lớn để được xuất hiện trên TV hay đài báo, các thương hiệu đồ ăn chỉ cần chi một lượng tiết kiệm hơn để chạy Ads hoặc duy trì quảng cáo của mình trên các mạng xã hội. Với sự bùng nổ của công nghệ, việc người người nhà nhà ai cũng có thể sử dụng Internet đã khiến cho Social Media trở thành một công cụ “đắt giá” mà lại tiêu hao lượng chi phí thấp hơn so với các hình hức marketing truyền thống, đồng thời tiếp cận được nhiều đối tượng đa dạng hơn.

Tính lan truyền cao
Từ nhiều năm trước, sức mạnh lan tỏa của Social Media trong những chiến dịch thương hiệu của các nhãn hàng lớn đã vô cùng mạnh mẽ.
Điển hình là chiến dịch “Gà rán trở lại” của Burger King hồi tháng 8 năm 2014 (Tập trung vào món gà rán truyền thống) đã gần như lập kỷ lục khi thu hút được 380 tweet/phút và 150.000 lời bình luận trong vòng 72h đầu tiên. Sự thành công này không chỉ bởi chất lượng của món ăn mà một phần còn do “Ông vua Burger” rất thấu hiểu tâm lý của những khách hàng trung thành – những người chắc chắn muốn chia sẻ cảm xúc của mình khi món ăn yêu thích của họ quay trở lại. Tương tự như vậy, các hãng đồ ăn lớn như King BBQ, McDonald’s, Pizza Hut… cũng đã lan truyền chiến lược tiếp thị của mình bằng cách đặt các Hashtag hoặc tung ra Viral Clip mang tính chia sẻ. Ở phương diện này, Social Media Marketing thành công bởi nó co thể thỏa mãn được nhu cầu ẩn sâu trong tiềm thức mỗi người – đó là việc trở thành những người đi đầu hoặc làm một phần của phong trào nào đó.

Mạng xã hội ảo – danh tiếng thật

Trước khi có sự phát triển của Social Media, nếu để điện thoại ở trên bàn ăn thì có nghĩa là bạn đang mong chờ một cuộc gọi nào đó. Nhưng bây giờ thì chẳng cần lí do là gọi điện hay nhắn tin nữa, Smart Phone luôn ở bên cạnh nhiều người trong bữa ăn để kịp thời chụp lại và chia sẻ những bức ảnh đẹp mắt lên mạng xã hội, kèm theo đó là việc check-in sẽ nổi tiếng và đáng tin cậy hơn, từ đó dẫn đến xu hướng muốn trải nghiệm và bắt kịp trào lưu của bạn bè. Bên cạnh đó, nếu bạn tự tin rằng hãng đồ ăn của mình thực sự tốt, Social Media chính là chìa khóa giúp lan truyền chất lượng đó, bởi bất kỳ sự hài lòng nào đều có thể trực tiếp biến thành lời khen có cánh giúp thương hiệu của bạn bay xa hơn.

Không hề là nói quá khi ví Social Media như một lớp make up với năng lực đặc biệt là làm đẹp và biến hóa các mặt của ngành công nghiệp thực phẩm, khiến nó trở nên đa dạng, cuốn hút. Việc đẹp và hấp dẫn hơn khiến các nhà hàng và hãng đồ ăn nhanh chóng thu hút được khách hàng mới. Nhưng có một việc chúng ta không thể quên, đó là: Lớp makeup cũng chỉ là một lớp makeup, nó chỉ khiến các thương hiệu “nhìn” đẹp hơn chứ không thật sự làm bản chất thương hiệu đó tốt hơn. Chính vì vậy, để tránh tâm trạng thất vọng, hụt hẫng hay thậm chí là phẫn nộ việc “vịt hóa thiên nga”, hãy biết kiểm soát công cụ Social Media môt cách hợp lý và luôn tìm cách cải tiến sản phẩm để thương hiệu của bạn dễ dàng chiếm được chỗ đứng tốt trong suy nghĩ khách hàng.

>>>Xem thêm chi tiết: Marketing Ẩm thực

Bài viết cùng chuyên mục