T2, 06 / 2022 9:54 sáng | gp_user
Neuromarketing là một lĩnh vực marketing có sự phối kết hợp giữa thần kinh học, nghệ thuật tiếp thị và công nghệ. Cụ thể là chúng ta sẽ sử dụng một số phương pháp như giải mã khuôn mặt, định vị mắt, điện não đồ, phân tích giọng nói… để tìm ra được những điểm trọng yếu thực sự thu hút khách hàng và từ đó đưa ra cách thức phù hợp nhất trong việc quảng bá sản phẩm mình.

Trong những năm qua, Neuromarketing đã phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Chỉ cần gõ từ khóa “neuromarketing” trên Google, từ vài kết quả hiện ra khi mới lần đầu xuất hiện vào năm 2002, hiện nay kết quả tìm kiếm đã lên tới con số 4.660.000 trong vòng 0,40 giây. Tuy nhiên, vì nó trực tiếp liên quan đến việc nghiên cứu hoạt động của bộ não nên vấn đề đạo đức nghiệp vụ cũng cần được quan tâm và ưu tiên.

Neuromarketing là gì?

Không ít người thắc mắc chưa biết thuật ngữ Neuromarketing là gì. Trên thực tế, khi dịch sang tiếng Việt, cụm từ này có nghĩa là tiếp thị thần kinh. Tiếp thị thần kinh là phương pháp ứng dụng khoa học nhận thức và khoa học thần kinh vào lĩnh vực Marketing. Bởi ngày nay, sở thích và hành vi của người dùng thay đổi rất nhanh chóng, đa dạng, không dễ để nắm bắt khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khách hàng sao cho đúng phương pháp, đạt hiệu quả như mong đợi.

Do đó, cũng là dễ hiểu khi những năm gần đây, các công ty cần thu thập lượng lớn dữ liệu (big data) nhằm phục vụ cho công cuộc đánh giá và cuối cùng là tìm ra insight khách hàng đã bắt đầu tìm kiếm các phương pháp nghiên cứu mới, thay vì chỉ dựa vào chỉ số đánh giá truyền thống như bảng khảo sát hay phỏng vấn (chưa kể nhiều trường hợp còn xảy ra sai sót thông tin, số liệu). Và các kỹ thuật của phương pháp Neuromarketing trong một số tình huống nhất định có thể giúp doanh nghiệp đo được những phản ứng của khách hàng mà chính khách hàng cũng không cảm nhận được phản ứng đó một cách có ý thức.

Vai trò của Neuromarketing

Vai trò của phương pháp Neuromarketing được tóm gọn lại trong các ý sau đây:

  • Đây là phương pháp hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong việc hiểu rõ hơn về hành vi của khách hàng thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận và nắm bắt nhu cầu, cảm nhận của khách hàng bằng tiếp thị thần kinh bên cạnh các phương pháp truyền thống.
  • Ngoài vai trò giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu từ các thông tin được cung cấp từ việc khách hàng trả lời câu hỏi khảo sát, Neuromarketing còn giúp quan sát, nhận biết được sự thay đổi của các con trỏ chuột, chuyển động của mắt hay thậm chỉ biểu cảm nét mặt khách hàng. Doanh nghiệp sẽ dựa vào căn cứ đó để đưa ra phán đoán về nhu cầu, hành vi của khách hàng.
  • Sử dụng phương pháp Neuromarketing giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nghiên cứu khách hàng nhờ đem lại nhiều thông tin chất lượng với giá thành vừa phải.
  • Ứng dụng phương pháp tiếp thị thần kinh còn giúp tăng độ tin cậy, chính xác của kết quả thu thập được vì Neuromarketing tiếp cận sâu vào tâm trí của khách hàng trong trạng thái vô thức. Qua đó, doanh nghiệp sẽ thuận lợi nắm bắt được những phản ứng diễn ra trong vô thức của khách hàng và hiểu được mô hình đưa ra quyết định của khách hàng cụ thể là thế nào.
  • Neuromarketing còn có vai trò thúc đẩy liên kết các nội dung với phản ứng sinh lý nhờ có sự giúp đỡ của hoạt động thiết lập liên kết giữa phản ứng sinh lý và các video, clip ở từng khoảnh khắc cụ thể. Điều này giúp đỡ doanh nghiệp rất nhiều trong việc xác định nhu cầu của khách hàng.

Vì sao doanh nghiệp nên sử dụng Neuromarketing?

Neuromarketing là phương pháp hội tụ rất nhiều ưu điểm nổi bật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hàng loạt doanh nghiệp. Vậy nên không quá khó để liệt kê ra những lý do mà doanh nghiệp nên sử dụng Neuromarketing. Cụ thể là:

Giúp doanh nghiệp kể câu chuyện thương hiệu thu hút và chân thật hơn

Một nghiên cứu về phương pháp Neuromarketing cho biết: Khi chúng ta nghe những câu chuyện có yếu tố xung đột, bất ngờ và xúc động, thì bộ não sẽ tự động sản sinh ra Oxytocin- Một loại hooc môn tình yêu. Nhờ nắm bắt được điều này, doanh nghiệp sẽ biết cách truyền tải thông điệp sao cho chạm tới được cảm xúc của công chúng, đặc biệt là khách hàng mục tiêu. Nhờ vậy, dần dần hình thành được sự chú ý, niềm tin của khách hàng với thương hiệu. Đó cũng chính là lý do mà ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp đều rất chú trọng đến vấn đề xây dựng câu chuyện thương hiệu.

Neuromarketing giúp doanh nghiệp kể câu chuyện thương hiệu thu hút và chân thật hơn

Tiết kiệm ngân sách chi cho quảng cáo của doanh nghiệp

Một vai trò quan trọng khác của Neuromarketing là giúp doanh nghiệp tiết kiệm ngân sách quảng cáo. Một ví dụ điển hình trong trường hợp này chính là theo nghiên cứu SuperBowl vào năm 2018, quảng cáo của M&M’s đứng thứ 2 trong danh sách các quảng cáo có sức hút mạnh mẽ với người xem nhất.

Cụ thể, đoạn quảng cáo của M&M’s đã tạo ra tương tác về mặt xúc cảm ở đoạn đỉnh điểm, tuy nhiên chỉ sau vài giây, mức độ tương tác của người xem với quảng cáo này lại có xu hướng giảm mạnh. Thay vào đó, nếu sử dụng Neuromarketing trong quảng cáo này, nhãn hàng M&M’s hoàn toàn có thể cắt bỏ 10s cuối của quảng cáo, nhờ đó không chỉ hạn chế cảm giác hụt hẫng của người xem, mà còn tiết kiệm được một khoản chi phí lên tới 1,5 triệu đô la Mỹ.

Giúp doanh nghiệp xây dựng chiến dịch quảng cáo hiệu quả hơn

Một trong những mục tiêu chính của phương pháp Neuromarketing là hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến dịch quảng cáo mang lại hiệu quả tối đa. Thông qua những nghiên cứu trong Neuromarketing, các doanh nghiệp sẽ tìm ra cách sắp xếp bố cục quảng cáo sao cho hợp lý, thuận mắt người nhìn nhất. Bởi bố cục của quảng cáo liên quan trực tiếp tới khả năng thu hút ánh nhìn, sự chú ý của khách hàng đối với thương hiệu.

Neuromarketing giúp doanh nghiệp xây dựng chiến dịch quảng cáo hiệu quả hơn

Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hiệu quả hội chứng FOMO – Nỗi ám ảnh sợ bỏ bị bỏ lỡ

Trong Marketing và nghệ thuật bán hàng, rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã ứng dụng chiến thuật FOMO – Hội chứng sợ bị bỏ lỡ. Theo một nghiên cứu từ Stern School of Business đã cho biết con người sinh ra phản ứng với sự mất mát nhiều gấp 2 lần so với khi được nhận. Nắm bắt điều này, các doanh nghiệp đã linh hoạt ứng dụng trong Marketing nhằm nâng cao hiệu suất bán hàng.

Cụ thể, các doanh nghiệp nói chung và nhân viên kinh doanh nói riêng thường truyền đến khách hàng thông tin rằng cần nhanh chóng mua hay sử dụng sản phẩm, dịch vụ của họ để nhận được ưu đãi với giá hời, nếu không chỉ sau một thời gian nhất định thì ưu đãi sẽ không còn được áp dụng nữa. Khách hàng khi tiếp nhận thông tin này sẽ sinh ra cảm giác sợ lỡ mất cơ hội tốt để có thể mua được sản phẩm giảm giá, cuối cùng đi đến quyết định mua hàng hay sử dụng dịch vụ.

Doanh nghiệp sẽ thuận lợi đo lường sức hút của bao bì sản phẩm hơn

Bên cạnh những vai trò trên, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc ứng dụng phương pháp Neuromarketing trong vấn đề đánh giá phản ứng, cảm xúc của khách hàng khi họ nhìn thấy bao bì của những sản phẩm khác nhau. Để qua đó hiểu được thẩm mỹ của người tiêu dùng và thiết kế ra bao bì sản phẩm có màu sắc, bố cục, hình dáng tương ứng với sở thích của người dùng.

Ví dụ điển hình trong trường hợp này là thương hiệu Frito-La, hãng này đã ứng dụng phương pháp tiếp thị thần kinh để tìm ra mẫu bao bì thu hút đông đảo phái đẹp, khơi gợi được những phản ứng tích cực của chị em đối với sản phẩm. Theo đó, toàn bộ bao bì đã được thay mới hoàn toàn, làm nổi bật được thành phần tự nhiên trong đồ ăn nhẹ của hãng, nhờ vậy dễ dàng tạo ấn tượng với khách hàng, giúp họ nhận diện sản phẩm của thương hiệu một cách dễ dàng hơn.

Doanh nghiệp sẽ thuận lợi đo lường sức hút của bao bì sản phẩm hơn nhờ ứng dụng Neuromarketing

Doanh nghiệp dễ dàng định giá sản phẩm cho phù hợp

Trên thực tế, các nghiên cứu về phương pháp Neuromarketing đã cho thấy một sự thật rằng những con số làm tròn ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định mua hàng dựa trên cảm xúc của khách hàng. Trong khi đó, các con số lẻ (ví dụ như 99k thay vì 100k) lại kích thích suy nghĩ logic của người dùng và khiến chính họ dần bị thuyết phục rằng họ đã đưa ra lựa chọn mua hàng đúng đắn. Từ nghiên cứu này, doanh nghiệp sẽ áp dụng sao cho phù hợp với những chiến dịch bán hàng của đơn vị mình nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.

Một số ứng dụng của tiếp thị thần kinh

Ở những phần nội dung phía trên, Giải Pháp Marketing đã chia sẻ đến bạn khái niệm, vai trò và những lý do mà doanh nghiệp nên ứng dụng phương pháp Neuromarketing. Và trong những dòng tiếp theo đây, chúng tôi sẽ đề cập đến một số ứng dụng thực tiễn của tiếp thị thần kinh để giúp bạn đọc có cái nhìn rõ ràng, khách quan và toàn diện hơn về phương pháp này!

Màu sắc và cảm xúc

Thông qua việc ứng dụng phương pháp Neuromarketing, các doanh nghiệp đã hiểu được rằng màu sắc có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc của khách hàng. Ví dụ rõ nhất trong trường hợp này chính là Coca Cola với màu sắc nhận diện thương hiệu chủ đạo là màu đỏ. Bởi màu đỏ được coi là màu tượng trưng cho sự nhiệt huyết, phấn khích, ngập tràn năng nượng, sức sống trong tâm trí. Hoặc một số thương hiệu khác như Ford, Facebook, Paypal,… đã lựa chọn màu xanh dương, xanh da trời làm màu chủ đạo đại diện cho thương hiệu nhằm tạo cảm giác an tâm, tin tưởng, sự uy tín đối với khách hàng.

Chất liệu của bao bì

Như đã nói ở phần nội dung về những lý do mà doanh nghiệp nên sử dụng Neuromarketing, thì thiết kế, bố cục của bao bì có tác động rất lớn đến quyết định mua hàng của người dùng. Bên cạnh đó, chất liệu làm nên bao bì sản phẩm cũng ảnh hưởng khá nhiều tới hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, một số thương hiệu thực phẩm như Frito-Lay đã tiến hành nghiên cứu Neuromarketing để thiết kế bao bì sao cho phù hợp với đối tượng khách hàng hướng đến nhất. Và nghiên cứu của họ đã tiết lộ rằng khách hàng không phản ứng tiêu cực đối với bao bì mờ, nhưng lại thể hiện rõ sự tiêu cực với bao bì sáng bóng. Từ đó, hãng Frito-Lay đã chuyển hướng thiết kế bao bì nhằm thúc đẩy kết quả kinh doanh.

Neuromarketing ứng dụng trong lựa chọn chất liệu bao bì

Dự đoán hiệu quả quảng cáo

Những năm trở lại đây, phương pháp tiếp thị thần kinh Neuromarketing đã khai thác tiềm năng của fMRI – Các loại chụp cộng hưởng từ để tìm hiểu rõ hơn về thói quen và hành vi của người dùng. Minh chứng rõ ràng nhất cho ứng dụng này của Neuromarketing là trong một nghiên cứu, người ta đã cho những người tham gia xem 3 quảng cáo khác nhau về Viện Ung thư Quốc gia. Quảng cáo được chọn để phát hành chính thức là quảng cáo có khả năng gợi ra nhiều hoạt động não nhất. Quả thực, chiến dịch này đã làm tăng số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng một cách đáng kể.

Đánh giá sự hài lòng

Neuromarketing còn được ứng dụng vào Marketing nhằm mục đích đánh giá sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm, quảng cáo. Bằng cách sử dụng hình ảnh EEG (điện não đồ) để phân tích phản ứng cảm xúc (ERA), các nhà nghiên cứu sẽ biết được mức độ gắn kết hoặc cảm xúc kích thích của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ.

Thực tế, người ta đã sử dụng điện não đồ để đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng với dịch vụ điều tri da liễu. Từ nghiên cứu, người ta thấy rằng sự hài lòng của khách hàng có tương quan với sự kích hoạt trong các mạch thần kinh liên quan đến chức năng đánh giá vẻ đẹp trên gương mặt người.

Sợ bỏ lỡ

Thông qua việc ứng dụng phương pháp Neuromarketing, người ta phát hiện ra rằng con người có hội chứng sợ bị bỏ lỡ. Ở phần nội dung phía trên, chúng tôi đã nói đến việc các doanh nghiệp áp dụng chiến dịch Marketing kích thích nỗi sợ bị bỏ lỡ của người tiêu dùng, chẳng hạn như “Chỉ còn X ngày, Y giờ, mua ngay kẻo hết” để tăng doanh số bán hàng.

Những suy nghĩ ẩn giấu

Một ứng dụng khác của Neuromarketing là tiết lộ những suy nghĩ ẩn giấu của người dùng. Trong thực tế, khi thử nghiệm một quảng cáo mới, hãng snack Cheetos đã sử dụng phương pháp phỏng vấn nhóm và EEG để đánh giá được chính xác phản ứng của khách hàng.

Nội dung quảng cáo là một cô gái đã đổ Cheetos màu cam vào quần áo trắng mới giặt của người bạn. Qua quá trình phỏng vấn nhóm, hãng phát hiện ra rằng khá nhiều người xem đều bảy tỏ là họ không thích quảng cáo. Thế nhưng sau khi áp dụng EEG với những người khác trong cùng nhóm phỏng vấn, kết quả cho thấy họ thực sự thích quảng cáo đó. Tuy nhiên khi một hoặc một vài thành viên trong nhóm bày tỏ sự khó chịu với quảng cáo thì những người thích quảng cáo lại ngại thể hiện sự thích thú vì sợ người kia sẽ không vui.

Neuromarketing ứng dụng trong thiết kế website

Khả năng ứng dụng đa dạng của phương pháp Neuromarketing còn được thể hiện ở việc hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra giao diện website thân thiện, phù hợp với nhóm khách hàng mà doanh nghiệp hướng đến.

Nhờ có Neuromarketing, người ta có thể thuận lợi thiết kế ra website có giao diện thân thiện với người dùng, kích thước, bố cục hợp lý, màu sắc ấn tượng, hài hoà. Về nội dung website, bên cạnh các thông tin chính cần thiết, cũng có thể thêm đánh giá, chia sẻ của đối tác, khách hàng để tăng độ tin cậy cho website,…

Neuromarketing ứng dụng trong thiết kế website

Dưới đây là 5 chiến lược Neuromarketing phổ biến hiện nay

1. Hãy cho tôi một lý do – Uy lực của sự giải thích

Tiến sĩ Ellen Langer thuộc Đại học Harvard đã thực hiện một nghiên cứu kinh điển mang tên “máy photocopy Xeros” để minh uy lực của việc giải thích.

Bối cảnh là một sinh viên cố gắng cắt ngang một hàng người đang chờ sử dụng máy photocopy.

– Trong trường hợp 1, cô nói: “Xin lỗi, tôi có 5 trang giấy. Tôi có thể dùng máy photo Xeros được chứ?”; 60% số người đồng ý cho cô chen hàng.

– Trường hợp 2, cô nói: “Xin lỗi, tôi có 5 trang giấy. Tôi có thể dùng máy photo Xeros được chứ bởi vì tôi đang rất gấp!”. Số lượng người chấp thuận tăng tới 94% khi nghe thêm một lời giải thích.

Không phải tự nhiên chúng ta thích những câu trả lời có kèm những lời giải thích mà đó là do não bộ chi phối. Do đó, những chiến lược marketing, những mẫu quảng cáo hiệu quả nhất không chỉ giải quyết được vấn đề của khách hàng mà còn phải đưa ra được một lời giải thích hợp lý nhất lý do vì sao khách hàng phải mua sản phẩm của mình.

2. Nghịch lý của lựa chọn

Khách hàng yêu thích có nhiều sự lựa chọn, nhưng các nhà tiếp thị thì thích điều ngược lại. Nghiên cứu cho thấy:

– Chỉ 3% khách hàng quyết định mua hàng ngay khi nhìn thấy có đến 24 nhãn hiệu mứt giới thiệu trước mặt họ.

– Trong khi có 30% người mua ngay khi chỉ có 6 sản phẩm trước mặt.

– Tương tự, khách hàng sẽ ngập ngừng khi có đến 50 lựa chọn trước mặt.

Quá nhiều lựa chọn khiến thần kinh của người mua hàng bị “tê liệt” và từ chối mua hàng. Để tránh xảy ra hiện tượng ấy, trong việc trình bày, chúng ta chỉ nên đưa tối đa ba lựa chọn giải pháp vì tỷ lệ hoán đổi người xem hàng thành mua hàng gia tăng khi số lượng chọn lựa giảm xuống.

3. Nỗi sợ bị mất mát

Nỗ lực tiết kiệm được 1 đồng lớn hơn rất nhiều so với nỗ lực kiếm thêm 1 đồng! Đó là vì phản ứng của cảm xúc đối với sự mất mát mạnh gấp hai lần niềm vui sướng khi nhận được thêm, đó là nghiên cứu từ Stern School of Business thuộc Đại học New York, năm 2012.

Đưa vào thí nghiệm thực tế:

– Một nhóm giáo viên được đưa trước 4.000 USD với điều kiện họ sẽ phải trả lại số tiền này nếu học sinh của mình không cải thiện thành tích học tập.
– Một nhóm khác được hứa hẹn sẽ nhận thêm 8.000 USD nếu học sinh của họ nâng cao thành tích.

Kết quả, thành tích học tập các lớp của nhóm giáo viên thứ nhất. Lý do là tâm lý sợ đánh mất 4000USD mà mình đã được nhận khiến họ quyết tâm hơn là những giáo viên ở nhóm thứ 2 – những người chưa nhận được tiền và sẽ không mất gì nếu thua cuộc.

Do đó, một marketer tinh ý và chuyên nghiệp sẽ nhấn mạnh “những gì khách hàng sẽ bị mất đi – bị bỏ qua nếu không mua sản phẩm” chứ không nên xoáy quá nhiều vào những gì mà “họ sẽ được nhận thêm”. Đây cũng là một chiến lược Neuromarketing thường được áp dụng hiện nay.

4. Nguyên tắc khan hiếm

Những mẫu quảng cáo như “thời gian có hạn” sẽ đẩy tâm lý mua hàng của các bà nội trợ lên đỉnh điểm.

– Sau một buổi thuyết trình, một nhà diễn giả nói rằng “Những ai đăng kí học khóa học của tôi trong vòng 3 phút tới sẽ được giảm 20% học phí. Và ngay từ lúc này…các bạn chỉ còn 2 phút 59 giây để quyết định!”. Ngay lập tức gần như tất cả các học viên đều lên đăng kí mặc dù trước đó họ còn đang rất băng khoăn liệu có nên học hay không. Đó là sự khan hiếm về thời gian.

– Một hãng hàng không thông báo rằng: “chúng tôi chỉ còn ba ghế cuối cùng”. Điều này sẽ hối thúc khách đặt chỗ ngay lập tức mặc dù trước đó họ đang phân vân lựa chọn giữa các hãng khác nhau.

Những ví dụ trên cho thấy, khi lựa chọn trở nên quá khan hiếm, những gì còn lại sẽ trở thành hấp dẫn. Những nhà tâm lý học gọi đó là hiện tượng “co rút thế giới tạm thời” khiến quyết định và nhận thức của chúng ta tức thời thay đổi. Hãy tận dụng điều này vào các chiến dịch quảng cáo của bạn nhé!

5. Hiệu ứng đồng vị

Là việc đánh vào tâm lý thích của hời của khách hàng bằng cách đưa ra một lựa chọn tồi sau đó mới đưa ra gợi ý tốt hơn cho khách hàng. Việc này cũng giống như chúng ta vừa đưa một chiếc phao cứu sinh cho họ vậy !

Một nghiên cứu từ Đại học Stanford tại cửa hàng bán lẻ hàng cao cấp Williams-Sonoma: Loại máy nướng bánh mì với giá 275 USD dường như thu hút rất ít sự quan tâm của khách hàng. Nhưng sau đó, họ đặt cạnh đó một máy nướng bánh mì tương tự, có kích thước lớn hơn đôi chút với bảng giá 429 USD, ngay lập tức chiếc máy trị giá 275 USD trở thành “món hời” trong mắt người mua hàng và doanh số gia tăng gấp đôi!

Một marketer thông minh sẽ giới thiệu một sản phẩm có giá cao nhất trước khi đưa ra những sản phẩm giá thấp hơn để lôi kéo người mua. Mức giá cao chót vót ban đầu sẽ trở thành tiêu chuẩn so sánh và khiến mọi thứ khác trở nên hợp lý và phải chăng.

Kết luận

Hãy tác động vào cảm xúc khách hàng nếu bạn muốn gây ấn tượng lớn nhất cho họ về sản phẩm – dịch vụ của mình. Ngành thần kinh tiếp thị tuy mới mẻ nhưng trên thực tế nó vẫn có thể áp dụng rất tốt vào các chiến dịch Marketing của doanh nghiệp. Hãy biết nắm bắt cơ hội này để trở thành người dẫn đầu thị trường!

Theo onlinebusinessforum.vn

Bài viết cùng chuyên mục